Khoản khó đòi của nhóm Trung Nam tại VNDirect lên hơn 1.800 tỷ đồng

Tổng giá trị phải thu khó đòi đối với nhóm Trung Nam tại VNDirect gây chú ý khi tăng 1.465 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên 1.840 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý II/2025.

CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với nhiều điểm sáng khi các hoạt động kinh doanh cốt lõi đều tăng trưởng.

Theo đó, trong quý II/2025, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.698 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính đến từ hoạt động tự doanh với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 834 tỷ đồng, tăng 3% so với con cùng kỳ. Song, lỗ từ tài sản FVTPL lại giảm 15% xuống 456 tỷ đồng. Như vậy trong quý này, VNDirect lãi thuần từ tự doanh 378 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Cùng chiều, lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng 21% lên 140 tỷ đồng.

Doanh thu nghiệp vụ môi giới của VNDirect cũng tăng 20% lên 219 tỷ đồng. Trong quý II/2025, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đi ngang ở mức 298 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí, Chứng khoán VNDirect ghi nhận lợi nhuận sau thuế 369 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VNDirect ghi nhận 2.956 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 4% so với cùng kỳ. Song do gánh nặng chi phí cùng hoạt động cho vay và môi giới đi lùi khiến công ty báo lãi sau thuế giảm 22% xuống 751 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 67% mục tiêu doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của công ty ở mức 47.918,5 tỷ đồng, tăng 3.620,7 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Về hoạt động tự doanh, danh mục FVTPL của VNDirect có giá gốc 20.685,4 tỷ đồng, giảm 3.841 tỷ đồng so với hồi đầu năm và tạm lãi 25,8 tỷ đồng. Trong đó, công ty đầu tư hơn 12.139 tỷ đồng vào trái phiếu; hơn 5.808 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; hơn 1.546 tỷ đồng vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chưa niêm yết.

Cổ đông ôm VND nhiều năm vẫn âm, CEO VNDirect nói "chưa bán thì chưa lỗ"

Về cổ phiếu đang nắm giữ, VNDirect đầu tư vào VPB 516,3 tỷ đồng và tạm lỗ 45 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty cũng giải ngân mua mới cổ phiếu thép HSG giá trị gốc 483,9 tỷ đồng và tạm lỗ 39 tỷ đồng. Hai cổ phiếu ngân hàng STB và CTG hiện không còn xuất hiện trong danh mục tự doanh của công ty.

Trong kỳ, danh mục HTM của VNDirect tăng mạnh từ 5.561 tỷ đồng lên 9.967 tỷ đồng. Trong đó bao gồm tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và kỳ hạn không quá 12 tháng giá trị 8.902 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn còn lại trên 12 tháng giá trị 1.065 tỷ đồng.

Thời 30/6/2025, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán tăng nhẹ so với đầu năm, đạt 10.643,7 tỷ đồng, trong đó phần lớn là dư nợ marin.

Đáng chú ý, VNDirect phải trích lập dự phòng 342 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng 77% sau 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị phải thu khó đòi đối với nhóm Trung Nam cũng gây chú ý khi tăng 1.465 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên 1.840 tỷ đồng.

img

Chi tiết dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu của VNDirect.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Tổng Giám đốc VNDirect Nguyễn Vũ Long đánh giá rằng Trung Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, những vướng mắc pháp lý lớn đang dần được tháo gỡ. Về lý do chậm thanh toán trái phiếu, nguyên nhân chính không đến từ sự yếu kém về tài sản, mà chủ yếu do đứt gãy dòng tiền và vướng mắc pháp lý tại các dự án.

"Chúng tôi tin rằng Trung Nam có khả năng trả nợ trái phiếu, nhưng cần thêm thời gian để các tài sản đó thực sự có tính thanh khoản trở lại. Dòng tiền hiện tại từ các dự án năng lượng vẫn duy trì, nhưng chủ yếu đủ chi trả lãi và một phần gốc, phần còn lại phụ thuộc vào việc xử lý tài sản", ông Long nói.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của VNDirect ở mức 28.286,6 tỷ đồng, tăng tới 3.706,9 tỷ đồng so với đầu năm; chủ yếu là vay ngắn hạn với 26.139,2 tỷ đồng.

Hiện VNDirect đang vay Vietcombank 7.878 tỷ đồng, Vietinbank 2.650 tỷ đồng, BIDV 2.195 tỷ đồng và 12.770 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng khác.