Công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam chi gần 84 tỷ đồng nộp thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trong 6 tháng đầu năm; gấp hơn 6 lần cùng kỳ

Đáng chú ý, chi phí thuế chống bán phá giá tăng gấp 3 lên 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lần đầu tiên doanh nghiệp phải ghi nhận thêm thuế đối ứng gần 27 tỷ đồng và thuế chống trợ cấp khoảng 17 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2025 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), doanh thu thuần đạt 1.876 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2024.

Giá vốn hàng bán tăng mạnh lên 1.679 tỷ đồng, lợi nhuận gộp vẫn đạt hơn 197 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, lần lượt đạt 106 tỷ và 24 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 101 tỷ đồng, tăng 21% so với quý 2/2024.

Sau khi trừ các loại chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế đạt 101,6 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 80 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của Thực phẩm Sao Ta đạt 3.867 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2024.

Công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam chi gần 84 tỷ đồng nộp thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trong 6 tháng đầu năm; gấp hơn 6 lần cùng kỳ- Ảnh 1.

Thực phẩm Sao Ta lý giải, trong kỳ vừa qua kết quả kinh doanh khả quan nhờ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời vụ nuôi tôm thứ hai trong năm 2025 đạt hiệu quả cao. Công ty đã thu mua 13.184 tấn nguyên liệu, chế biến 8.434 tấn thành phẩm và tiêu thụ 5.592 tấn (gồm 5.349 tấn thủy sản và 243 tấn nông sản), mang về tổng doanh số 65,4 triệu USD.

Tính từ đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ của Sao Ta đạt 11.949 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản tiêu thụ tăng mạnh 37% lên 11.468 tấn, trong khi nông sản giảm 23% còn hơn 480 tấn. Công ty cũng đã nộp vào ngân sách nhà nước 17,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí thuế chống bán phá giá tăng đột biến 200%, lên 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lần đầu tiên doanh nghiệp phải ghi nhận thêm thuế đối ứng gần 27 tỷ đồng và thuế chống trợ cấp khoảng 17 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng Fimex phải trả 84 tỷ đồng cho 3 loại thuế này; trong đó phát sinh của riêng quý 2 là 48 tỷ đồng.

Công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam chi gần 84 tỷ đồng nộp thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trong 6 tháng đầu năm; gấp hơn 6 lần cùng kỳ- Ảnh 2.

Những khoản thuế mới này là nguyên nhân chính khiến chi phí bán hàng trong kỳ tăng mạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) vào ngày 6/6, trong đó mức thuế chống bán phá giá dành cho bị đơn bắt buộc là Stapimex bị đẩy lên hơn 35%. Sao Ta là một trong các doanh nghiệp bị áp mức thuế tương tự trong đợt rà soát này.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của công ty đạt trên 4.600 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tiền gửi ngân hàng là 1.648 tỷ đồng, tăng 35% và chiếm tỷ trọng 36%. Hàng tồn kho cũng tăng đáng kể 27% lên 1.277 tỷ đồng.

Công ty tăng cường vay nợ tài chính ngắn hạn với số dư cuối quý là hơn 1.700 tỷ đồng, cao hơn 800 tỷ so với đầu năm, tuy nhiên không vay dài hạn. Vốn chủ sở hữu 2.368 tỷ đồng, cao hơn nợ phải trả.

Hiện Sao Ta có vốn điều lệ 654 tỷ đồng, là một công ty thành viên thuộc sở hữu của PAN Group; đồng thời có một cổ đông chiến lược là C.P Vietnam với tỷ lệ nắm giữ 24,9% vốn.

Trong quý 2 vừa qua, PAN Group cũng công bố kết quả kinh doanh hợp nhất ấn tượng với doanh thu thuần đạt gần 4.065 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước.