Quyền Linh, Doãn Quốc Đam quảng cáo sai nhưng không bị phạt, Cục PTTH nói gì?

Việc Quyền Linh, Doãn Quốc Đam quảng cáo sai nhưng không bị xử phạt khiến dư luận thắc mắc, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử lên tiếng làm rõ.

Trong cuộc họp báo thường kì Bộ VHTTDL, trả lời câu hỏi về trường hợp nghệ sĩ Quyền Linh và Doãn Quốc Đam tham gia quảng cáo sai sự thật, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử. cho hay, Cục đã làm việc với các nghệ sĩ đồng thời mời Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tham gia và đánh giá vụ việc.

Quyền Linh, Doãn Quốc Đam quảng cáo sai nhưng không bị phạt, Cục PTTH nói gì?- Ảnh 1.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử.

Theo ông Lê Quang Tự Do, hợp đồng quảng cáo của hai nghệ sĩ với nhãn hàng đã kết thúc từ hai năm trước.

"Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt là dưới hai năm. Ngoài ra, mức độ "thổi phồng" trong quảng cáo chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, Cục có nhắc nhở các nghệ sĩ, đồng thời, hai nghệ sĩ bày tỏ sẽ phối hợp với Cục trong truyền thông, thông tin rõ hơn đến các nghệ sĩ khác để nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia quảng cáo .

Hai nghệ sĩ cam kết phối hợp với Cục trong thông tin, tuyên truyền đến các nghệ sĩ khác để rút kinh nghiệm. Khi làm việc với các nghệ sĩ, chúng tôi nhận thấy họ cũng rất áp lực, lo lắng về việc có nên tham gia thực hiện quảng cáo không, ông Lê Quang Tự Do nói.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở đối với vi phạm quảng cáo của MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam đang làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Lý do cả hai không bị xử phạt được đưa ra là "quá thời hiệu" xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo được quy định chỉ có thời hạn một năm, mà video quảng cáo vi phạm của hai nghệ sĩ đã được thực hiện trong khoảng 2023-2024.

Chia sẻ với Báo Điện tử VTC News, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) lý giải quy định về thời hiệu xử phạt không chỉ áp dụng trong lĩnh vực quảng cáo mà còn hiện diện trong hầu hết các quy phạm pháp luật. Thời hiệu nhằm đảm bảo các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời. Nếu để quá hạn, pháp luật không cho phép cơ quan nhà nước xử phạt một hành vi đã xảy ra từ lâu và người vi phạm không còn tiếp tục tái phạm.

Vì vậy, trong trường hợp của MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không có căn cứ để xử phạt. Tuy nhiên, luật sư Cường cũng nhấn mạnh: “ Dù đã hết thời hiệu xử phạt hành chính, nhưng pháp luật vẫn cho phép áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, điển hình là buộc gỡ bỏ nội dung quảng cáo sai sự thật”.

Cũng theo ông, nếu hành vi quảng cáo sai lệch có dấu hiệu tiếp tay cho việc sản xuất, buôn bán hàng giả, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tiếp tục xem xét trách nhiệm của nghệ sĩ, doanh nghiệp hoặc cá nhân liên quan – nếu hành vi đó vẫn còn nằm trong thời hiệu xử lý theo pháp luật.

Quyền Linh, Doãn Quốc Đam quảng cáo sai nhưng không bị phạt, Cục PTTH nói gì?- Ảnh 2.

Doãn Quốc Đam và MC Quyền Linh có sai phạm trong quảng cáo nhưng chỉ bị nhắc nhở, không xử phạt.

Luật sư cũng cho rằng vẫn cần lưu ý thêm về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chậm trễ xử lý đối với trường hợp MC Quyền Linh và Doãn Quốc Đam dẫn đến việc không xử phạt do hết thời hiệu.

Về mặt xã hội, dù không chịu xử phạt nhưng các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật vẫn phải chịu sự lên án của dư luận xã hội, thậm chí dẫn đến tẩy chay hoặc giảm tần suất xuất hiện trên sóng truyền hình. Đây là một “hình thức xử phạt” khác mà người vi phạm phải đối mặt, đôi khi còn lớn hơn cả xử phạt bằng tiền.

Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, đã có nhiều điểm mới liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia hoạt động quảng cáo.

Theo đó, luật quy định rõ ràng nghĩa vụ của người nổi tiếng trong việc xác minh độ tin cậy của thương hiệu, kiểm tra các tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ được quảng cáo. Đặc biệt, trong một số trường hợp nhất định, họ phải chịu trách nhiệm liên đới với nhãn hàng về nội dung quảng cáo.

Bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – nhấn mạnh: “ Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung mới được ban hành sẽ 'siết' hành vi và trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Từ đó, góp phần giảm thiểu những hệ lụy từ vấn nạn quảng cáo hàng giả, kém chất lượng có sự tham gia của người nổi tiếng”.

Quan điểm “siết nghĩa vụ, không siết cơ hội” đối với nghệ sĩ được thể hiện rõ trong lần sửa đổi này. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng vẫn được nhìn nhận là góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nghệ sĩ không thể tiếp tục là những “máy đọc, máy diễn” theo kịch bản có sẵn từ nhãn hàng mà phải chủ động hơn trong việc kiểm chứng thông tin và chịu trách nhiệm về nội dung mình truyền tải.