'Lên đời' sân bay Chu Lai ra sao hậu sáp nhập Đà Nẵng?

Bộ Xây dựng và UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất việc rà soát lại định hướng quy hoạch và phát triển 2 cảng hàng không trên địa bàn, trong đó ưu tiên phát triển Cảng hàng không Chu Lai với công suất 10 triệu khách/năm vào năm 2030 và 30 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về công tác lập quy hoạch và phương thức đầu tư Cảng hàng không (CHK) Chu Lai , TP. Đà Nẵng.

Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch CHK Chu Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, tổ chức lập theo phương thức tiếp nhận sản phẩm tài trợ hồ sơ quy hoạch từ phía Tập đoàn Vingroup.

Phương án quy hoạch đến tháng 6/2025 mới được hoàn thiện, do cần cập nhật hiện trạng các công trình quân sự tại khu bay, sân đỗ và khớp nối số liệu phân định ranh giới đất đai tại CHK Chu Lai do Bộ Quốc phòng thực hiện.

'Lên đời' sân bay Chu Lai ra sao hậu sáp nhập Đà Nẵng?- Ảnh 1.

Cảng hàng không Chu Lai, TP. Đà Nẵng. Ảnh: ACV.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan đối với hồ sơ Quy hoạch CHK Chu Lai theo quy định. Đồng thời, vừa qua Bộ Xây dựng đã tổ chức làm việc với UBND TP. Đà Nẵng về công tác lập quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng , CHK Chu Lai trên địa bàn.

Cơ quan quản lý ngành giao thông và xây dựng phân tích, do vị trí của Cảng HKQT Đà Nẵng nằm trong khu vực đô thị nên việc phát triển gặp nhiều khó khăn, trong khi đó xuất hiện yếu tố mới là sáp nhập TP. Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, Bộ Xây dựng và UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất việc rà soát lại định hướng quy hoạch và phát triển Cảng HKQT Đà Nẵng với công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm.

"Bên cạnh Cảng HKQT Đà Nẵng, sẽ ưu tiên phát triển CHK Chu Lai nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; dự kiến sẽ hoàn thiện 2 quy hoạch trong tháng 9 tới để thẩm định, phê duyệt trong quý IV năm nay", văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Đối với phương thức đầu tư CHK Chu Lai, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam (nay là UBND TP. Đà Nẵng), Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư CHK Chu Lai theo phương thức PPP.

Bộ Xây dựng đã có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) có ý kiến về khả năng bố trí, cân đối nguồn vốn của ACV để đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển của CHK Chu Lai trong giai đoạn đến năm 2030. Trên cơ sở báo cáo của ACV, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến UBND TP. Đà Nẵng để thống nhất phương thức đầu tư phát triển CHK Chu Lai cho phù hợp, và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 tới.

'Lên đời' sân bay Chu Lai ra sao hậu sáp nhập Đà Nẵng?- Ảnh 2.

Đến năm 2030, Cảng Hàng không Chu Lai có công suất 10 triệu hành khách/năm. Ảnh: Hoài Văn.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Dự thảo điều chỉnh quy hoạch CHK Chu Lai lên Bộ Xây dựng. Theo đó, thời kỳ 2021-2030, đây là sân bay lưỡng dụng, được quy hoạch đạt cấp 4F. Cảng có đủ năng lực khai thác các loại tàu bay thân rộng (A380, A350, B747, B777), tàu bay thân hẹp (A320, A321) và tương đương, đáp ứng công suất 10 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2030, cảng có sân đỗ tàu bay về phía Đông đáp ứng tối thiểu 30 vị trí và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu. Thời kỳ này, sẽ chuyển sân đỗ tàu bay trước nhà ga T1 thành sân đỗ tàu bay cho hàng không chung. Quy hoạch mới nhà ga T2 đáp ứng công suất 10 triệu hành khách/năm về phía Đông sân bay.

Tại Dự thảo điều chỉnh, tầm nhìn đến năm 2050 xác định CHK Chu Lai sẽ đáp ứng công suất 30 triệu hành khách/năm và 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Cảng được quy hoạch nhà ga T3 và T4 đáp ứng công suất 10 triệu hành khách/năm cho mỗi nhà ga. Các công trình nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất 3 triệu tấn hàng hoá/năm, có dự trữ quỹ đất phát triển khi có nhu cầu.

Tổng diện tích đất quy hoạch sử dụng cho cả giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đạt gần 2.100 ha.