Sáng 19/7, bão Wipha chính thức đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (10h ngày 19/7), tại khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa), mưa rào và dông xuất hiện diện rộng. Đặc biệt, khu vực phía Đông Bắc Biển Đông đang hứng chịu mưa bão. Một số trạm quan trắc ghi nhận gió Tây Nam mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-9. Biển động mạnh, sóng cao 3–5m.
Dự báo trong ngày và đêm 19/7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội. Phía Tây Bắc Biển Đông, bao gồm đặc khu Hoàng Sa, gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Trong khi đó, từ Lâm Đồng đến Tp.HCM, giữa và Nam biển Đông, bao gồm đặc khu Trường Sa, gió Tây Nam duy trì ở cấp 6, giật cấp 7-8, gây biển động mạnh.

Sáng nay 19/7, bão WIPHA đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025.
Vùng biển từ Nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi và vùng biển từ Gia Lai đến Khánh Hòa, gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Ngoài ra, ngày và đêm 19/7, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển đặc khu Hoàng Sa) có mưa rào và dông, riêng vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Vịnh Bắc Bộ, đêm 19/7 có mưa rào và dông rải rác.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, trong ngày 20/7, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông sẽ tiếp tục có gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 14, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động dữ dội. Các vùng biển khác cũng chịu ảnh hưởng với gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao từ 2 - 4m. Cấp độ rủi ro thiên tai được đánh giá ở mức 2, riêng khu vực phía Đông Bắc Biển Đông là cấp 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo tàu thuyền không nên hoạt động tại các khu vực chịu ảnh hưởng trong thời gian này, do nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn trên biển.
Tại cuộc họp về công tác ứng phó bão số 3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tại các khu du lịch, khu neo trồng thủy sản.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay nhiều hồ chứa ở miền Bắc đang đầy nước. Bộ đã chỉ đạo các chủ hồ triển khai xả lũ, hạ mực nước về ngưỡng an toàn nhằm chủ động điều tiết trước tình huống mưa lớn do bão gây ra. Đồng thời, các công ty và đơn vị quản lý hồ chứa được yêu cầu vận hành đúng quy trình, tránh để xảy ra tình huống khẩn cấp như từng xảy ra tại hồ thủy điện Thác Bà năm 2024.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa sạt lở đất và ngập úng – những rủi ro thường đi kèm trong hoàn lưu bão.
Về hệ thống đê điều, hiện tuyến đê biển và đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa vẫn còn 20 trọng điểm xung yếu và 7 công trình đang thi công.
Các địa phương được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện sửa chữa, khắc phục sự cố đã xảy ra, đồng thời kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình, phương án hộ đê. Việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị phải theo đúng phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất ngờ.
Đáng lưu ý, đây là cơn bão đầu tiên kể từ khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp mới được kiện toàn, đòi hỏi các địa phương – đặc biệt cấp xã – phải chủ động phòng ngừa từ sớm, triển khai kịp thời các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.